THĂNG HOA CUỘC ĐỜI - Kỳ 106: Ý Phật Đản, Nghĩa Hòa Bình
View: 459 - Như Ninh Nguyễn Hồng Dũng 7/05/2025 04:05:04 pm
Đức Phật không đến để ban phước hay cứu rỗi bằng quyền năng, mà Ngài đến như một bậc Thầy, chỉ ra con đường thoát khổ bằng chính sự tỉnh thức, hiểu biết và lòng từ bi. Sự ra đời của Ngài là khởi điểm cho một cuộc chuyển hóa lớn lao, từ bóng tối vô minh đến ánh sáng giác ngộ. Cách đây đúng 2649 năm, vào một ngày trăng tròn tháng Tư âm lịch, tại vườn Lâm Tì Ni, vương quốc Ca Tỳ La Vệ, Hoàng hậu Ma Da, chánh cung của vua Tịnh Phạn hạ sinh một hoàng nhi bên gốc cây vô ưu trong chuyến trở về quê ngoại sinh nở theo tập tục lưu truyền. Hoàng nhi ấy được đặt tên là Sĩ Đạt Ta người sau này trở thành Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, bậc Giác Ngộ vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại.
Ngay từ khi sinh ra, Thái tử được cho là mang đầy điềm lành rồi lớn lên trong nhung lụa, được học hành hoàn mỹ với nhiều bậc Thầy giỏi nhất cung đình, thành tựu văn võ biện tài. Thái tử trưởng thành thì kết hôn với công chúa Da Du Đà La và sinh hạ một hoàng nam tên là La hầu la, tuy nhiên, sau khi đi thăm chu vi ngoại thành thì chứng kiến bốn cảnh tượng: một người già khổ não, một người bệnh rên la, một người chết trương phình và một vị Sa môn tự tại. Mục kích cuộc đời thật của kiếp nhân sinh, Ngài bừng tỉnh về bản chất khổ ải của thân phận con người. Từ đó, Ngài quyết định từ bỏ cung vàng điện ngọc, vợ đẹp con thơ, vượt thành xuất gia tìm con đường chấm dứt khổ đau. Trong đêm tĩnh lặng, Thái tử Sĩ Đạt Ta cưỡi ngựa Kiền trắc cùng với Sa Nặc rời hoàng cung. Dừng lại tại dòng sông Anoma ẩn mình xa thành phố, hoàng tử cởi bỏ bộ đồ vương giả, khoác lên mình chiếc áo choàng của một nhà sư. Vào độ tuổi hai mươi chín, Thái tử Sĩ Đạt Ta bắt đầu hành trình không nhà của một tu sĩ. Thái tử Sĩ Đạt Ta quyết định hướng mình lên vùng núi, nơi có nhiều ẩn sĩ và những nhà triết gia cùng tu khổ hạnh. Sau sáu năm hành trì khắc nghiệt và thiền định sâu xa, Thái tử đã học những pháp thiền định cao siêu nhưng chưa đáp ứng nỗi khắc khoải nghi vấn vì sao mà chúng sanh lại chịu cảnh sanh, lão, bệnh, tử triền miên?. Nhiều năm khổ hạnh kiệt sức rồi được thọ dụng bát sữa do nàng mục nữ Sujata dâng cúng, Thái tử Sĩ Đạt Ta quyết tâm thiền toạ dưới cội Bồ đề trong suốt bảy tuần lễ định tĩnh tinh chuyên, cuối cùng vào đêm trăng tròn tháng Chạp, Ngài bừng tỉnh và đạt quả vị Vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, được Trời, Người tôn kính là bậc Thế Tôn tức thành Phật hiệu là Thích Ca Mâu Ni.
Từ đó, Đức Phật đã hành cước suốt 45 năm hoằng pháp, du hóa khắp miền Bắc Ấn Độ, truyền dạy con đường Trung đạo, bác bỏ cả hai cực đoan khổ hạnh và hưởng lạc, mở ra lộ trình giải thoát bằng pháp Tứ Diệu Đế. Ngài tiếp độ từ vua chúa, thương nhân đến hạng cùng đinh nghèo khổ, không phân biệt giai cấp, sắc tộc, giới tính hay tín ngưỡng vào trong giáo đoàn của Ngài.
Năm 80 tuổi, Đức Phật nhập Niết bàn tại rừng Sa La Song Thọ, để lại một kho tàng giáo pháp vô giá cho hậu thế bằng vào tấm gương sáng ngời nơi trí tuệ vô song, từ bi mầu nhiệm, đức hạnh cao cả mà pháp thân, báu thân và hóa thân Ngài thực chứng. Hôm nay đây, hơn hai mươi sáu thế kỷ trôi qua, lời dạy của Ngài vẫn còn nguyên giá trị, tiếp tục soi đường cho hàng triệu người trên trái đất nỗ lực đi tìm sự bình an, giác ngộ và hòa bình đích thực.
Nhìn lại thế giới hôm nay, dù tiến bộ về vật chất, khoa học kỹ thuật tân kỳ nhưng trong phần sâu thẳm của con người đều đang rơi vào nỗi khủng hoảng, bất an. Bạo lực cộng đồng, chiến tranh biên giới, xung đột tôn giáo, kỳ thị sắc tộc, tham vọng chính trị... đã và đang tàn phá sự sống, đẩy hàng triệu người vào cảnh ly tán, đói khổ và hận thù. Từ Ukraine đến Gaza, từ Myanmar đến Yemen, con người dường như đang quay lưng lại với lòng nhân ái và sự cảm thông.
Chính trong hoàn cảnh này, ý nghĩa Phật Đản càng trở nên cấp thiết, ánh sáng từ bi, yêu thương và quan tâm cho nhau từ giáo pháp hòa bình cần phải được thiết lập. Nhân loại trong thế kỷ XXI đang cần một ánh sáng soi đường, một hướng đi nhân bản không phải bằng những loại vũ khí hay quyền lực, mà bằng sự tỉnh thức của nội tâm. Chúng ta cần trở về với lời dạy của Đức Phật: sống biết yêu thương, biết lắng nghe, biết dừng lại để thấu hiểu nỗi đau của người khác, bởi chỉ có tình thương chân thật và trí tuệ hướng thiện mới mong chữa lành những vết thương sâu sắc của nhân loại.
Thật ra, theo nghĩa thậm thâm thì Phật không ở đâu xa, Phật đang có mặt trong từng sát na ở mỗi hành động từ bi, trong từng suy nghĩ chánh niệm và lời nói chân chính của mỗi thế nhân. Ngày Phật Đản là một tiếng chuông nhắc nhở muôn loài rằng, thế giới chỉ thật sự thay đổi hướng thiện khi mỗi người chúng ta trở thành hạt giống an lành giữa cuộc đời; do vì trần gian bị thiêu đốt bởi lửa tham lam, sân hận và si mê xuyên qua từng ý nghĩ, lời nói và hành động nên cuộc sống cứ trôi lăn trong màn sương vô minh, chấp thủ dày đặc.
Hãy quán chiếu cuộc chiến khốc liệt ở Ukraine, xung đột giữa Israel và Palestine, nỗi đau thương từ thiên tai động đất ở Miến Điện cùng hàng triệu con người khốn khổ, hút xách trong các khu vực nghèo khó… đều là hậu quả của tham vọng chiếm hữu, mạnh được yếu thua, thiếu sự hiểu biết chân chính. Trong bối cảnh đó, ngày Phật Đản trở về là dịp để chúng ta có cơ hội nhìn lại chính mình, quán chiếu một nan đề sâu sắc là làm sao để vượt qua niềm đau nỗi khổ không chỉ cho bản thân mà còn cho toàn thể xã hội ?
Ngày Đản sanh khơi cho ta học lại lịch sử của đấng đại hùng, đại lực đại từ bi vì Thái tử Sĩ Đạt Ta từ lúc ấu thơ đã bày tỏ lòng thương yêu sâu sắc đối với mọi loài. Sự từ bỏ vương quyền, vợ đẹp con thơ để đi tìm chân lý không phải là hành động ích kỷ, mà chính là thể hiện một tấm lòng quảng đại yêu thương, muốn tìm ra con đường giải thoát khổ đau cho tất cả vạn loài chúng sinh. Do đó Ngài đưa ra thông điệp rằng:
“Hận thù diệt hận thù, đời này không thể có;
Từ bi diệt hận thù, là định luật ngàn thu.”
Không thể lấy chiến tranh để kết thúc chiến tranh, không thể dùng vũ khí huỷ diệt để mang lại hòa bình mà chính là tâm từ bi, sự hiểu biết mới là con đường duy nhất để hóa giải oán thù. Điều thế giới cần thiết là một sự tỉnh thức nơi con người biết buông bỏ cái ngã, cái tôi, biết nhìn thấy khổ đau của kẻ khác như chính nỗi đau của mình. Do vậy mà tình trạng tại các quốc gia đang xung đột đẫm máu sẽ không thể có lối thoát nếu chỉ dựa vào vũ lực hay sự trả đũa, chừng nào những nhà lãnh đạo và toàn dân của các quốc gia ấy tiếp nhận được tinh thần từ bi và tuệ giác như Đức Phật đã dạy thì một nền hòa bình thực sự mới có thể được kiến lập.
Những vấn đề chính trị nan giải nên thực tập theo lời Phật dạy cho vua Ba Tư Nặc trong kinh A Hàm rằng, chuyện do con người tạo thì cũng do con người giải quyết, bằng vào sự khiêm tốn, tôn trọng mạng sống, thông cảm và vô ngã vị tha mới mong có nền hòa bình trường cữu. Phật giáo không phải là tôn giáo của thần quyền hay cầu xin mơ hồ, đó là con đường thực tiễn, có thể áp dụng vào từng hơi thở, từng bước chân trong đời sống hằng ngày vì đức Phật là người chỉ đường, còn mình hãy tự thắp đuốc lên mà đi.
Chúng ta đang sống trong những quốc gia công nghiệp, tiên tiến hàng đầu thế giới, đầy đủ tiện nghi vật chất nhưng cũng quá đỗi áp lực, cạnh tranh và kể cả cô đơn khiến con người dễ rơi vào trầm cảm, lo âu và mất phương hướng. Ngày Đản Sanh đức Phật khiến chúng ta có dịp ứng dụng lời dạy của Ngài vào đời sống qua việc thực tập chánh niệm, hành động từ bi và luôn luôn tỉnh thức để mỗi cá nhân tìm lại sự quân bình nội tâm, kiến tạo những mối quan hệ từ gia đình đến xã hội một cách nồng ấm đầy tình nhân ái.
Sở dĩ chúng ta thực tập chánh niệm trong đời sống hằng ngày để theo dõi hơi thở vì chỉ cần một phút dừng lại là ta có thể nhận diện được thân và tâm mình thuận nghịch ra sao, từ đó giúp ta hành động có ý thức hơn, tránh buông lời làm tổn thương tha nhân, tránh vội vàng đưa ra quyết định sai lầm, xung đột. Một xã hội có nhiều người sống trong chánh niệm sẽ là một quốc độ bớt khổ đau và hòa bình sẽ ló dạng vì tâm bình thì thế giới bình. Hơn nữa, chiến tranh lạnh trong thời đại phân cực vẫn đang âm ỉ, việc lắng nghe và thấu cảm là điều hiếm hoi nhưng cần thiết. Ngày Phật Đản không chỉ cầu nguyện cho hòa bình mà chúng ta phải biết sống hòa bình, không sát sanh hại vật, từ bi hỷ xả lúc hành xử với người thân, hay kẻ lạ giữa chợ đời. Đặc biệt nhân ngày Phật Đản thì công tác cứu tế, từ thiện, chia sẻ vật chất lẫn tinh thần là biểu hiện cụ thể của lòng từ bi. Cứu giúp người gặp hoạn nạn không cần phân biệt tôn giáo hay sắc tộc, đó là tinh thần “vô ngã vị tha” mà Đức Phật luôn tuyên thuyết trong Tam Tạng Kinh Điển là vậy.
Năm Phật lịch 2569, Dương lịch 2025, Phật Đản Sanh 2649 này chúng ta cùng nhau phát nguyện sống đẹp hơn, thiện lành hơn bằng cách nhìn lại bản thân rằng, mình đã làm gì để góp phần vào hòa bình và an vui cho cuộc đời này?, mình có từng nuôi dưỡng chút hận thù nào không?, mình có thật sự biết lắng nghe người thân hay buộc họ phải theo ý riêng của mình? và hãy tự hỏi nơi bản thân mình có sống tử tế với những người xung quanh hay chưa?. Nếu mỗi người chúng ta trong dịp Đản Sanh đức Phật mà tự thắp sáng một ngọn đèn trong tâm thức mình, thì cả thế giới sẽ bừng lên ánh sáng. Cầu nguyện cho hòa bình là tốt, nhưng hành động vì hòa bình mới thật sự quan trọng và ý nghĩa hơn nhiều. Kính mừng một bậc Giác Ngộ ra đời, nhưng thậm thâm vi diệu vô tận là dịp để tự mình thức tỉnh chất Phật, khơi lòng từ bi chưa được khai mở, đánh thức trí tuệ còn tiềm tàng trong tâm thức. Cứ như vậy thì tinh thần Phật Đản chính là liều thuốc an lành, là nhịp cầu nối liền con người trong tình thương và hiểu biết bởi ai nấy biết sống tỉnh thức, yêu thương, thì hòa bình không còn là giấc mơ xa vời.
Nam Mô Lâm Tỳ Ni Viên Vô Ưu Thọ Hạ Thị Hiện Đản Sanh Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
San Jose Mùa Sen Nở 2025
Như Ninh Nguyễn Hồng Dũng